Giỏ hàng

Trượt chuyên, liệu có thi được HSG Quốc gia?

Trượt chuyên, liệu có thi được HSG Quốc gia?

Sau mỗi mùa tuyển sinh THPT, KEM lại nhận được rất nhiều câu hỏi từ những học sinh vừa lỡ mất cơ hội vào trường Chuyên. Đa số các bạn đều có năng khiếu và đam mê với Hóa học, nhưng trượt vì các lí do như không đủ điều kiện xét tuyển hoặc điểm các môn điều kiện thấp. Do đó, nhiều bạn mong muốn sẽ có cơ hội “tỏa sáng” một lần nữa với việc tham gia kì thi HSGQG.

Ai cũng biết rằng, không học Chuyên thì rất khó để thi HSGQG. Nhưng khó đến mức nào thì mời bạn cùng tìm hiểu ở bài viết này nhé. Ở đây KEM sẽ đưa ra một số quan điểm, giới hạn áp dụng với môn Hóa học, để các bạn đang có ý định tham gia cân nhắc.

Phần 1: Không học Chuyên có được tham gia thi HSGQG không?

Theo Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT, ban hành vào tháng 1 năm 2023, đối tượng dự thi HSGQG là

Học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, có xếp loại hạnh kiểm và học lực từ Khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.

Thông thường, các tỉnh thành phố sẽ dựa vào kết quả thi HSG cấp tỉnh để chọn ra các thí sinh có kết quả cao và tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn, sau đó tổ chức một kì thi loại nữa để thành lập đội tuyển chính thức. Như vậy, về lí thuyết thì chỉ cần vượt qua hai kì thi này, học sinh không Chuyên cũng có thể tham gia thi HSGQG.

Thực tế thì sao? Cũng có rất nhiều thí sinh từng dự thi HSGQG không học trường Chuyên. Một số ví dụ tiêu biểu về các học sinh đạt thành tích cao:

  • Vi Anh Tuấn,  Trường THPT chuyên ban Cẩm Phả - Quảng Ninh (Giải Nhất & HCB IChO 1998).
  • Phan Huy Đức, Trường THPT Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh (Giải Nhì, 2014 & 2015).
  • Lý Đức, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi – TP.HCM (Giải Nhì, 2017).
  • Đoàn Nhật Quang, Trường THPT Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh (Giải Nhì, 2021).

Một số đơn vị như TP.HCM mỗi năm thường có 1 – 2 thí sinh không thuộc trường Chuyên tham gia đội tuyển HSGQG (như năm học 2018 – 2019 thì con số này còn cao hơn). Bạn có thể xem danh sách tại: https://hcm.edu.vn/phong-giao-duc-trung-hoc-thong-bao/c/41000

Tổng kết lại là: Có cơ hội cho học sinh không chuyên tham gia thi HSGQG.

Phần 2: Từ “cơ hội” đến “chính thức”

Những năm gần đây, khoảng 95% học sinh đạt giải HSGQG đến từ các trường Chuyên – tức là trung bình cứ 20 học sinh thì có 1 bạn không Chuyên. Đặc biệt, các tỉnh có thành tích nổi bật ở kì thi này thì tỉ lệ học sinh trường Chuyên còn cao hơn – có khi là 100%. Lí do là bởi sau kì thi tuyển sinh THPT thì đa số các học sinh có năng khiếu đều đã vào các trường chuyên và kết hợp với nhiều lợi thế – như sự định hướng của thầy cô, chia sẻ kinh nghiệm từ anh chị khóa trước, môi trường học tập thuận lợi để phát triển năng khiếu – nên chỉ sau 1-2 năm, chênh lệch trình độ giữa học sinh Chuyên và không Chuyên tăng lên rất nhiều.

Hãy cùng phân tích để hiểu hơn những khó khăn mà học sinh không Chuyên sẽ gặp phải khi lựa chọn ôn thi HSGQG.

Thiếu định hướng từ giáo viên

Thiếu giáo viên đủ năng lực và tâm huyết để định hướng mục tiêu và hướng dẫn cách học. Học trường Chuyên có lợi thế hơn rất nhiều bởi ngoài môn chuyên (Hóa) thì các môn học nền tảng, bổ trợ khác (như Toán, Lí, Sinh, Anh, …) cũng được đầu tư bài bản hơn. Ví dụ như một học sinh có nền tảng Toán kém thì rất khó để học sâu các kiến thức chuyên Hóa.

Thiếu môi trường cạnh tranh

để cải thiện và nâng cao kiến thức. Không có bạn bè học cùng dễ dẫn đến việc học sai hướng hoặc “ngộ nhận” về năng lực bản thân. Nhiều học sinh nghĩ rằng Hóa học Chuyên ở cấp 3 cũng tương tự như các bài thi HSG ở cấp 2 nhưng tính toán phức tạp hơn. Thực tế hoàn toàn khác, chương trình Chuyên chú trọng vào bản chất kiến thức nhiều hơn, nên nếu chỉ chú trọng vào các bài Toán hóa thì chắc chắn sẽ lệch hướng.

Thiếu thông tin về kì thi

Việc nắm được thông tin về kế hoạch chuẩn bị cho kì thi HSGQG sẽ giúp học sinh chủ động trong việc ôn luyện. Tuy nhiên, đa số các trường không Chuyên ít khi quan tâm về kế hoạch này, nên học sinh thường chỉ biết khi kì thi đã gần kề và không đủ thời gian để chuẩn bị.

Thiếu tài liệu

nên không biết bắt đầu học từ đâu, học như thế nào, không phân biệt được sự khác nhau về nội dung của kì thi HSGQG và THPTQG rồi “sa lầy” vào những thứ kiến thức kiểu nửa nọ nửa kia.

Chủ yếu phải tự học

Học trường Chuyên thì vẫn phải học các môn văn hóa khác, nhưng lợi thế là các em sẽ có nhiều thời gian cho môn Chuyên hơn. Đặc biệt, một số trường Chuyên còn thành lập đội dự tuyển khá sớm (từ năm lớp 10) và tăng cường bồi dưỡng. Trong khi đó, nếu không học Chuyên thì bạn gần như phải tự học 100% nếu muốn đuổi kịp tiến độ cho các kì thi chọn. Tự học Hóa đã khó, tự học Hóa Chuyên đề thi HSGQG càng khó gấp bội!

Không có thống kê chính thức, nhưng nếu bạn theo dõi các group Hóa học phổ thông, sẽ thấy rằng năm nào cũng có nhiều học sinh trượt Chuyên xong muốn tham gia thi HSGQG. Nhưng sau một thời gian, cỡ 1-2 học kì, là chẳng còn thấy đâu nữa.  

 

 

Phần 3: Vậy có nên đầu tư để ôn thi HSGQG?

Có một số câu hỏi bạn cần phải suy nghĩ nghiêm túc và trả lời, trước khi quyết định cho câu hỏi này.

Thứ nhất: Lí do bạn muốn thi HSGQG?

Nếu bạn chỉ muốn thi vì “bạn trượt Chuyên” thì xin lỗi là lí do này chưa đủ mạnh để tạo động lực lâu dài cho bạn. Hãy suy nghĩ xem liệu bạn có yêu thích Hóa học không? Nếu có, là bạn thích giải Toán hóa học, hay bạn thích khám phá bản chất của sự vật và hiện tượng – thông qua việc hiểu sâu Hóa học? Nếu là câu trả lời đầu tiên thì thôi, đừng ôn thi HSGQG, bạn sẽ thất vọng đấy. Còn nếu bạn thích học sâu để hiểu bản chất, thì liệu bạn có dự định gắn bó với ngành học này (ở bậc ĐH hoặc cao hơn) hoặc những ngành liên quan (Y, Dược, Vật liệu, …)?  Nếu không, thì cũng nên dừng lại – vì đầu tư 3 năm để rồi đổi sang ngành học khác rất lãng phí.

Nếu đến bây giờ, bạn vẫn còn thấy muốn thi HSGQG thì hãy tạm chuyển qua các bài viết sau để tìm hiểu thêm về ki thi đã nhé:

https://tapchikem.com/blogs/news/hieu-dung-ve-ki-thi-hsgqg-hoc-sao-cho-hieu-qu

https://tapchikem.com/blogs/bai-giang/noi-dung-day-hoc-mon-hoa-hoc-danh-cho-lop-chuyen

 

Thứ hai: Bạn có sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc?

Nếu đã hiểu rõ về kì thi và những lí tưởng của bạn đủ mạnh mẽ để quyết định dấn bước theo kì thi này, thì đến lúc quay lại với thực tại: Liệu bạn có sẵn sàng đầu tư cho kì thi này không? Đầu tiên là đầu tư thời gian: Theo kinh nghiệm cá nhân của KEM, trung bình mỗi ngày bạn sẽ dành ra 4-5 giờ cho riêng việc học Hóa (ở nhiều thời điểm ôn thi thì còn nhiều hơn) và cân bằng việc học các môn bổ trợ như Toán – Lí – Anh để củng cố nền tảng cho việc học Hóa chuyên sâu hơn. Vì Hóa học Chuyên đòi hỏi việc thấu hiểu bản chất, nên chỉ “thông minh” thôi là chưa đủ, mà bạn còn phải đọc nhiều, đọc được giáo trình tiếng Anh thì càng tốt. Tiếp theo là đầu tư về tiền bạc. Chưa nói đến các tài liệu của KEM, chỉ riêng với các giáo trình cơ bản để chuẩn bị lí thuyết cho kì thi này cũng tốn vài triệu ban đầu. Nếu bạn còn định học thêm (với giáo viên trường chuyên, giảng viên hoặc các lớp trực tuyến) thì chi phí còn cao gấp bội. Gần như không có chuyện ôn thi HSGQG với… 0 đồng! Dĩ nhiên, nếu bạn sẵn sàng đầu tư nhưng không đủ kinh phí, thì đừng ngại nhắn tin chia sẻ với KEM – nhất định sẽ được hỗ trợ thêm.

 

Thứ ba: Bạn có chuẩn bị sẵn sàng cho sự… thất bại?  

Thi HSGQG là một lựa chọn mạo hiểm, kể cả với học sinh trường Chuyên, vì gần như toàn bộ thời gian học được ưu tiên cho môn Hóa nên có thể dẫn đến hiện tượng học lệch. Với các học sinh đặt mục tiêu vào ĐH top đầu, việc đầu tư hết cho kì thi HSGQG mà thất bại thì cũng có nguy cơ… trượt ĐH! Chưa kể là ảnh hưởng về mặt tâm lí sau khi đã đầu tư quá nhiều mà không thu lại thành tích gì.

Hãy suy nghĩ xem liệu sau thất bại với việc “thi vào Chuyên”, liệu mình có đủ mạnh mẽ để vượt qua thất bại này không? Nếu năm 11 trượt, liệu bạn có đủ tự tin và đam mê để ôn thêm 1 năm nữa?

Thứ tư: Bạn còn thời gian không?

Nếu bạn đã có định hướng từ lớp 10, biết được phải học những cái gì và học ra sao, thì bạn có thể đầu tư cho kì thi này. Nhưng nếu đến tận lớp 11 bạn mới có ý định tìm hiểu để tham gia kì thi này thì lời khuyên là không nên thi. Bởi việc ôn thi trong thời gian ngắn như vậy rất kém hiệu quả, nó cũng phá hỏng niềm vui khám phá tri thức của bạn.

Lời khuyên của KEM trong trường hợp này là nếu bạn thực sự yêu hóa học thì có thể tập trung cho việc ôn thi THPTQG và học tiếng Anh trước, rồi tìm hiểu dần về ngành hóa. Sau này lên đại học, mình có thể lựa chọn chuyên ngành này nếu thấy yêu thích và phù hợp. Còn nếu bạn muốn tận hưởng không khí Olympiad? Cũng đừng lo, ở đại học bạn có thể tham gia kì thi olympiad sinh viên.

Dẫu sao, lựa chọn cũng là của bạn. 

Phần 4: Học thế nào?

Hãy quay lại với bài này, đọc kĩ một lượt nữa để hình dung cho rõ hơn mình phải học gì và học như thế nào?

https://tapchikem.com/blogs/news/hieu-dung-ve-ki-thi-hsgqg-hoc-sao-cho-hieu-qu

Tuy nhiên, với học sinh không Chuyên thì KEM sẽ hướng dẫn cách học kĩ hơn. Xin lưu ý rằng đa số hướng dẫn này dựa trên các tài liệu của KEM cập nhật tới giữa năm 2023 và chỉ mang tính gợi ý. Tài liệu KEM có thể tối ưu hơn một phần, nhưng không phải lựa chọn duy nhất.

Tổng thể nội dung học

Về tổng thể nội dung, chương trình thi HSGQG có thể chia thành các module lớn sau: [1. Cấu tạo chất] [2. Nhiệt động lực học] [3. Động hóa học] [4. Các cân bằng trong phase khí & dung dịch] [5. Điện hóa học] [6. Hóa học Vô cơ] [7. Cấu trúc – Hoạt tính hữu cơ] [8. Cơ chế phản ứng] [9. Tổng hợp hữu cơ] [10. Xác định chất và giải chuỗi phản ứng] [11. Hợp chất tạp chức].

  • Bài thi Lí thuyết HSGQG thường diễn ra trong hai ngày, với ngày 1 chủ yếu là kiến thức của module 1 – 6, ngày 2 chủ yếu là kiến thức 7 – 11, cùng với một câu có thể liên quan đến các module 1, 4 – 6.
  • Module 1 – đặc biệt là các phần Nguyên tử và Cấu trúc phân tử – là nội dung quan trọng nhất. Học tốt module này thì mới có thể học sang các module khác, đặc biệt là các module Hữu cơ.
  • Module 2 & 3, cùng với một phần module 4, thường được gọi chung là “Hóa Lí”. Để học tốt, đòi hỏi phải có kiến thức Toán tương đối vững (chỉ tương đương SGK phổ thông). Phần kiến thức này thường chiếm tỉ lệ điểm cao trong bài thi HSGQG.
  • Module 4 (phần dung dịch) & 5, thường được gọi chung là “Hóa Phân tích (& Điện hóa)”. Đây cũng là phần chiếm tỉ lệ điểm cao.
  • Module 7 & 8 có lượng kiến thức rất lớn, là nền tảng chủ đạo cho toàn chương trình Hóa học Hữu cơ. Ở mức độ đại cương, nội dung trong hai module này có thể phân chia theo một trục khác: “Hydrocarbon & dẫn xuất”.
  • Hiện nay module 9 cũng ít khi xuất hiện trong bài thi, nhưng vẫn là nền tảng kiến thức quan trọng (đặc biệt là cho module 10).
  • Module 10 (thường được gọi là “các bài chuỗi”) có tỉ lệ điểm cao và độ khó cũng cao. Muốn làm được module 10 thì phải nắm vững kiến thức module 7 & 8.
  • Module 11 là dạng kiến thức tổng hợp, đòi hỏi phải đọc và nhớ nhiều, nhưng lại thường không quá khó.

Chuẩn bị tài liệu gì?

Tài liệu của KEM chủ yếu là bài tập, lí do là bởi trên thị trường hiện đã có rất nhiều giáo trình Đại học có thể đáp ứng được phần lí thuyết cần cho bài thi HSGQG. Bạn có thể xem các tài liệu nên-mua trong video này:  

https://www.tiktok.com/@tapchikem/video/7102746977548504347

Với tài liệu của KEM, vui lòng xem tại đây: https://tapchikem.com/blogs/bai-giang/noi-dung-day-hoc-mon-hoa-hoc-danh-cho-lop-chuyen

(Trong mỗi phần kiến thức sẽ có gợi ý sách tương ứng.)

 

Lộ trình học

Bạn có thể theo dõi lộ trình trong ảnh dưới đây.

 

Nếu bạn không học Chuyên, có thể bắt đầu với bộ sách Nền tảng Hóa học (NTHH). Tuy không đủ để phục vụ cho kì thi HSGQG, nhưng NTHH có thể giúp bạn có được kiến thức cơ bản cho toàn bộ chương trình (gần như đủ 11 module – ngoại trừ module 7 – 9).

Nếu đã vững kiến thức ở bậc THCS, bạn có thể bắt đầu với Chương Nguyên tử trong NTHH luôn và sau khi hoàn thành phần Cấu tạo chất của tập 1, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về phần kiến thức tương ứng qua sách PREP & Hóa học Chuyên, tập 1 để làm quen với kiến thức Chuyên, cũng như tiếp cận độ khó trong đề HSGQG.

Sau khi hoàn thành Cấu tạo chất (Cơ bản, trong NTHH 1), bạn có thể học song song Cấu tạo chất (Nâng cao, trong PREP | HHC Tập 1) và Hóa Lí – Hóa Phân tích (Cơ bản, trong NTHH 1). Việc học song song này giúp bạn tránh được cảm giác nhàm chán và liên tục mở rộng kiến thức theo kiểu xoắn ốc.

Sau khi hoàn thành NTHH 1, bạn có thể học song song: Hữu cơ (Cơ bản, trong NTHH 2) và Hóa Lí – Hóa Phân tích (Nâng cao, trong PREP | HHC Tập 3, 4) và Hóa Vô cơ (HHC Tập 2).

Phần sau đó, bạn có thể tự điề chỉnh theo lộ trình tham khảo ở trên.

Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào, đừng ngại nhắn tin cho KEM qua fanpage để được tư vấn cụ thể hơn.