Hiểu về kì thi HSGQG
CẬP NHẬT CHO MÙA THI 2025-2026
Cảnh báo: Bài cực kì dài! Nếu bạn thấy không đủ kiên nhẫn để đọc, tốt nhất không nên ôn thi HSGQG – vì lượng tài liệu phải đọc còn gấp mấy… nghìn lần thế này!
Phần 1: Hiểu về kì thi HSGQG Hóa học
(Tạp chí KEM cập nhật theo Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT, ban hành vào tháng 1 năm 2023)
1. Đối tượng dự thi
Học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông(a), có xếp loại hạnh kiểm và học lực từ Khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
(a) Không yêu cầu phải là học sinh trường Chuyên hay không.
2. Số lượng thí sinh
Về số lượng thí sinh, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi có tối đa 06 thí sinh (trừ đơn vị dự thi Hà Nội, 12 thí sinh); đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GDĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh (Hà Nội, 20) (b).
(b) Để biết số lượng thí sinh của tỉnh mình, tốt nhất nên liên hệ với giáo viên trường Chuyên (tổ trưởng) để biết chính xác nhất.
3. Nội dung thi
Nằm trong phạm vi Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và nội dung dạy học các môn chuyên trường trung học phổ thông chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn.
Chi tiết xem tạo: https://tapchikem.com/blogs/bai-giang/noi-dung-day-hoc-mon-hoa-hoc-danh-cho-lop-chuyen
4. Thời gian – Địa điểm
1 bài thi Viết (180 phút) + 1 bài Thực hành. Lịch thi sẽ có trong hướng dẫn tổ chức thi hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Chọn đội tuyển Olympiad Quốc tế
Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn trong số thí sinh đoạt HSGQG theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, đảm bảo số học sinh được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá 8 lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển (môn Hóa: ~32 bạn).
Thời gian thi: Bài thi viết 240 phút + Bài thi Thực hành.
Phần 2: Hiểu hơn về nội dung thi
Kiến thức Hóa học chuyên để phục vụ cho kì thi HSGQG có thể được chia thành các phần sau:
- Hóa Đại cương: phần kiến thức lớn nhất, chiếm khoảng 50% số điểm toàn bài thi, bao gồm
- Cấu tạo chất: Nguyên tử, phân tử, tinh thể.
- Hóa Lí: Nhiệt động lực học và Động hóa học.
- Hóa Phân tích: Cân bằng trong dung dịch và Điện hóa học.
- Hóa Vô cơ: chỉ chiếm khoảng 10% số điểm nhưng lại có liên hệ với các phần khác như Cấu tạo chất và Hóa Phân tích.
- Hóa Hữu cơ: chiếm khoảng 40% số điểm, bao gồm Cấu trúc – Hoạt tính, Cơ chế phản ứng, Chuỗi phản ứng, Hợp chất Tạp chức.
Phần lí thuyết để phục vụ cho bài thi này thường ngang với kiến thức của sinh viên năm 1 và năm 2 ngành Hóa học. Tuy nhiên, nói về độ khó thì nhiều bài còn vượt cả đề thi tuyển sinh Cao học. Chi tiết về các phần kiến thức, hãy xem lại ở Phần 1, mục 3.
Phần 3: Một số lầm tưởng
❌ LẦM TƯỞNG 1: HSGQG CŨNG GIỐNG NHƯ HSG CẤP TỈNH, NHƯNG TÍNH TOÁN KHÓ HƠN
Đây chắc là lầm tưởng phổ biến nhất – đặc biệt với những học sinh lớp 9 mới vào chuyên. Ở trình độ THCS tại Việt Nam, vì có nhiều giới hạn về mặt kiến thức, nên sự cạnh tranh ở kì thi HSG chủ yếu là tính toán quanh các phương trình quen thuộc. Nhưng lên bậc THPT thì một chân trời mới được mở ra – chương trình chuyên đưa tới nhiều kiến thức tiệm cận thực tế hơn và đòi hỏi tư duy và hiểu biết sâu sắc về lí thuyết hóa học hơn.
- - - - - - - - -
❌ LẦM TƯỞNG 2: KÌ THI HSGQG CHỦ YẾU THIÊN VỀ TÍNH TOÁN?
Không. Kì thi HSGQG thiên về TƯ DUY HÓA HỌC. Bạn vẫn cần các kiến thức Toán như Đạo hàm, Giải tích, Tích phân (dĩ nhiên ở mức độ cơ bản), nhưng là để phục vụ cho việc xử lí số liệu trên cơ sở những “biện luận về mặt hóa học”, chứ không phải cắm đầu cắm mặt bấm máy tính!
- - - - - - - - -
❌ LẦM TƯỞNG 3: BẠN SẼ HỌC THẬT KĨ LÍ THUYẾT LÀ CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC CÁC BÀI THI HSGQG
Không có chuyện dễ xơi như vậy đâu. Kiến thức trong SGK chuyên hay giáo trình Đại học chỉ là những “khối kiến thức cơ bản” (tạm gọi là module). Việc của bạn khi học là phải biết KẾT NỐI các module đó để nâng cao tư duy hóa học của mình lên. Ví dụ như để giải một sơ đồ phản ứng về các hợp chất nitrogen thì bạn còn phải nắm vững tính chất của các nguyên tố khác trong bảng tuần hoàn nữa. Đừng trông chờ sẽ có những bài thi mà chỉ việc lắp số vào công thức là xong chuyện.
- - - - - - - - -
❌ LẦM TƯỞNG 4: SẼ CÓ NHỮNG QUYỂN SÁCH “LUYỆN TỦ” ĐỂ THI HSGQG
Cũng là một chuyện viển vông. Một đề thi cấp HSGQG tập hợp nhiều bài thi của nhiều chuyên ngành với độ khó cực cao – mà gần như chẳng có giáo viên, giảng viên nào đủ kiến thức để “nắm vững” toàn bộ khối kiến thức đó (mỗi người chuyên sâu một vài mảng đã là giỏi lắm rồi). Chưa kể, việc tập hợp một nhóm tác giả đủ khả năng soạn được bộ tài liệu như vậy cũng cực kì công phu và tốn kém – trong khi mỗi năm chỉ có vài trăm “độc giả tiềm năng” mà “chưa chắc đủ kinh phí”. Vậy nên, thay vì cố tìm những tài liệu All-In-One đó, bạn nên tìm đọc giáo trình Đại học thì sẽ tiết kiệm hơn và thuận tiện hơn.
Phần 4: Các kiến thức Toán cần cho việc ôn thi HSGQG
Trong bài này, KEM dẫn ra một số kiến thức mà bạn có thể chuẩn bị dần để không bỡ ngỡ khi tìm hiểu sâu về các module kiến thức của Hóa học phổ thông chuyên:
- Với phần đầu tiên (“về các trạng thái vật chất”) thì không đòi hỏi các kiến thức Toán học cấp 3.
- Ở phần Cấu trúc nguyên tử - trừ khi bạn đọc những tài liệu viết rất sâu, thì sẽ cần một số kiến thức về Đạo hàm và Tích phân. Còn lại thì cơ bản cũng chẳng có gì phức tạp(c).
(c) Trong phần orbital hay năng lượng electron, có nhiều phương trình trông rất dài dòng nhưng thường không yêu cầu phải nhớ và các hằng số liên quan đều được cung cấp.
- Ở phần Phân tử - Liên kết hóa học thì chúng ta có thể gặp một chút kiến thức liên quan đến vector (phần cuối).
- Với phần Tinh thể thì “tư duy và các thao tác tính toán cơ bản với những khối hình không gian đơn giản” là yêu cầu quan trọng nhất.
- Phần Nhiệt động học sẽ đòi hỏi bạn phải có kiến thức về Tích phân, vận dụng được các công thức cơ ban trong tính toán và tốt hơn là hiểu được tính thực tiễn của tích phân để nhìn nhận được mối liên hệ với các ứng dụng Hóa học.
- Động hóa học phản ứng là phần đòi hỏi nhiều kiến thức Toán học nhất, bao gồm Vi phân – Tích phân và Logarithm. Về cơ bản, khi đã nắm vững được kiến thức toán cho phần Nhiệt động và Động hóa học thì bạn đã có thể tự tin để học chương trình chuyên Hóa, gồm cả phần Dung dịch và Điện hóa ở phía sau. Riêng với Hóa hữu cơ ở bậc THPT chuyên thì gần như không yêu cầu kiến thức Toán học.
Các kiến thức Toán phục vụ cho việc học chuyên Hóa không vượt quá chương trình Toán học phổ thông, nghĩa là những thứ bạn chắc chắn sẽ được dạy ở trường Cấp 3. Khác biệt một chút là bạn phải tự đọc trước khi thầy cô dạy đến ở lớp.
Nếu được anh/chị khóa trên chỉ dẫn cho thì quá tốt, có thể biết nên đọc sách gì và dừng lại ở mức độ nào là đủ. Bởi thực tế, những kiến thức Toán phục vụ cho việc học Hóa không quá phức tạp – ít nhất là với chương trình phổ thông chuyên. Còn nếu bạn tự mày mò thì tốt nhất là… chẳng cần học trước Toán. Cứ học Hóa đến đâu mà cần kiến thức Toán thì lại dừng, chuyển qua học Toán rồi quay trở lại. Cách này hơi vất vả tí, nhưng chỉ ở thời gian đầu thôi, về sau quen rồi thì lại thành thói quen rất tốt vì đó là một kĩ năng cơ bản của việc tự học.
Phần 5: Cách học
Bài viết này chỉ phù hợp với những bạn ôn thi Quốc gia trong thời gian hạn hẹp. Còn nếu bạn bắt đầu học từ đầu lớp 10 thì hãy cứ thoải mái tận hưởng những thứ mới lạ của hoá học chuyên sâu.
1) ĐÍCH ĐẾN: Phải đạt được những phần kiến thức nào? Nói đơn giản thì những kiến thức để thi HSGQG thường là kiến thức ở bậc Đại học, đôi khi cao hơn, nhưng bạn không thể nắm được toàn bộ kiến thức của bậc ĐH chỉ trong 1-2 năm cấp 3 được. Chưa kể đến có những phần kiến thức sẽ ít khi dùng đến - hiện tại là vậy - ví dụ như Phổ học. Lời khuyên là các bạn nên: tham khảo các đề thi trước và đọc kĩ Phần 1, mục 3 ở trên để có cái nhìn tổng thể nhất về chương trình thi (lưu ý khác biệt chính của kì thi ở VN với IChO là Phổ học và Hoá sinh ít gặp, còn Phản ứng ion trong dung dịch thì nhiều hơn.)
2) PHƯƠNG HƯỚNG: Có nhiều con đường để đạt tới mục tiêu về kiến thức, có những bạn chỉ mất khoảng 1 năm là nắm được đủ kiến thức cơ bản, cũng có những bạn học hơn 2 năm cũng vẫn mông lung. Một phần quan trọng là do các bạn không biết chọn đúng sách để học. Về sách lí thuyết thì KEM không bán, nhưng đã có 2 bài viết gợi ý các sách nên học cho từng phần Cấu tạo chất, Hoá lí, Hoá vô cơ, Hoá hữu cơ, Hoá phân tích - cả với sách tiếng Anh và tiếng Việt, các bạn có thể tìm đọc trong Phần 1, mục 3.
3) CÁCH HỌC: Có nhiều bạn vẫn lo lắng vì những câu hỏi “Không học chuyên có thi được không?”, “Tự học có thể đạt giải cao không?”, “Không đi học giáo sư có sao không?”... - Xin khẳng định rằng: TỰ HỌC là điều kiện tiên quyết để bạn có thể thi HSGQG. Dù chiếm 50% hay 80% hay 100% thì nó cũng vẫn luôn là yếu tố chính. Dĩ nhiên, với những bạn không chuyên thì thiệt thòi hơn (về mặt tài liệu và định hướng) nên các bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, tự học nhiều hơn, nhưng chắc chắn cơ hội luôn có. Để tự học tốt thì phải tích cực tham gia thảo luận, và KEM khuyến khích các bạn vào group Thích học Hoá (fb.com/groups/tapchikem) để cùng trao đổi kiến thức với những bạn đang có mục tiêu như mình hoặc những anh chị đi trước. Đừng ngại hỏi, đừng sợ bị chê bai, bởi cái dốt không thể bị xoá bỏ chỉ bằng cách giấu đi.
Kinh nghiệm tự học:
Ngoài tài liệu thì việc chuẩn bị chỗ ngồi cũng là việc cần chú ý. Do bạn sẽ cần đầu tư thời gian ngồi bàn học nhiều nên hãy chọn những chỗ yên tĩnh, thoáng, gần cửa sổ được thì tốt và phải thoải mái.
Cũng nên sắm cho mình một quyển sổ thật đẹp và cây bút xịn (không cần quá đắt đâu, đủ tốt là được). Nên chọn loại vở không có đường kẻ ngang để viết cho thoáng (xem hình). Có thể dùng giấy đánh dấu chia quyển sổ thành nhiều phần, tương ứng với các phần cấu tạo chất, hoá lí, vô cơ, hữu cơ, ... Quyển sổ dùng làm gì? Để ghi chép những vấn đề quan trọng khi học (diễn giải phương trình, cơ chế, tác chất, ...) - tốt nhất là diễn giải theo dạng sơ đồ để sau này tra cứu lại cho dễ. Nên viết bút màu đen kết hợp với bút đánh dấu sáng màu (cam, xanh lá,. ...) để tăng thêm hứng khởi khi viết và làm nổi bật những phần cần chú ý.
(Dĩ nhiên vẫn có những bạn thích áp dụng chiến thuật "cày cuốc" là chính, không quan tâm đến mấy thứ màu mè, nhưng mình nghĩ việc học sẽ thú vị hơn khi mình chăm chút hơn. [Những ai từng học tiếng Anh thi chứng chỉ chắc sẽ rõ hơn])
Một điều quan trọng khác: lên thời gian biểu và thực hiện nghiêm chỉnh. Bạn xác định học để thi HSGQG thì phải nắm được những thông tin về thời gian các kì thi chọn và tính toán được lượng kiến thức mình cần có cho các kì thi này. Ví dụ bạn không thể dành toàn bộ thời gian trước khi thi chọn đội tuyển cấp tỉnh chỉ để học vô cơ-hoá lí rồi mới học hữu cơ được.
Ngoài ra, nên chọn khung thời gian hợp lí để học. Đa số mọi người chọn cách thức khuya học bài, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn đi ngủ sớm (lúc 22, 23h) rồi dậy sớm (lúc 5h sáng) để học bài. Nếu nhà gần hồ hoặc công viên thì dậy sớm đi bộ ra đó học cũng tốt. Buổi trưa nên tranh thủ ngủ trưa, đừng lâu quá, chỉ cần 15-30p là đủ. Anw, đừng cố cày cuốc suốt ngày, thay vào đó hãy chọn những khung hiệu quả nhất để tự học (5h-7h sáng; 14h-16h; 20-22h).
Chúc bạn đủ kiên nhẫn!